Chúng ta sẽ xem xét từng bước để cài đặt 1 server LAMP (Linux + Apache + MySQL + PHP) trên Ubuntu. Và vì Ubuntu đã sẵn là Linux rồi, nên chúng ta sẽ chỉ xem xét 3 thành phần còn lại.
1. Cài đặt Apache2
Để cài đặt Apache2, hãy vào Applications -> Accessories -> Terminal và gõ lệnh sau:
sudo apt-get install apache2
Bạn cũng có thể dùng lệnh aptitude thay cho apt-get như sau:
sudo aptitude install apache2
Sau đó Ubuntu sẽ hỏi mật khẩu của bạn, sau khi nhập xong, quá trình download và cài đặt bắt đầu, bạn chỉ phải đợi 1 chút.
Sau khi cài đặt xong, bạn cần phải đặt tên cho server. Để làm vậy, chúng ta phải thêm 1 dòng sau vào file config của Apache:
ServerName localhost
trong đó localhost là tên của server của bạn. Nếu bạn chỉ dùng 1 mình để học tập và thử nghiệm thì hãy để là localhost như trên.
Các file chứa cấu hình của Apache2 trong Ubuntu được đặt tại /etc/apache2. Tại đây, bạn sẽ thấy file cấu hình chính apache2.conf. Nếu mở file này ra và đọc, bạn sẽ thấy nó sẽ load các file cấu hình trong các file httpd.conf (lưu cấu hình bổ xung), thư mục mods-enabled (lưu cấu hình các module được nạp) và ports.conf (lưu cấu hình về cổng giao tiếp).
# Include module configuration:
Include /etc/apache2/mods-enabled/*.load
Include /etc/apache2/mods-enabled/*.conf
# Include all the user configurations:
Include /etc/apache2/httpd.conf
# Include ports listing
Include /etc/apache2/ports.conf
Include /etc/apache2/mods-enabled/*.load
Include /etc/apache2/mods-enabled/*.conf
# Include all the user configurations:
Include /etc/apache2/httpd.conf
# Include ports listing
Include /etc/apache2/ports.conf
Bạn có thể thêm dòng định nghĩa tên server vào bất kì file nào trong các file này, tuy nhiên, để cho dễ dàng theo dõi, bạn nên đặt ở file httpd.conf. Hãy mở Terminal ra và gõ dòng sau để chỉnh sửa file httpd.conf:
sudo gedit httpd.conf
và thêm dòng sau vào cuối cùng của file:
ServerName localhost
Sau đó, bạn phải khởi động lại Apache bằng lệnh sau để nó nạp lại cấu hình trên:
sudo apache2ctl restart
Để kiểm tra xem Apache đã hoạt động hay chưa, hãy mở trình duyệt Firefox lên và truy cập vào địa chỉ http://localhost. Nếu không nhận được thông báo lỗi tức là đã thành công.
2. Cài đặt PHP
Ở đây tôi chỉ nói đến PHP5. Cách thức tương ứng với PHP4 cũng tương tự, tuy nhiên có 1 vài chú ý nhỏ nếu bạn muốn chạy song song PHP4 và PHP5, xin xem ở mục các tài liệu tham khảo ở dưới.
Để cài PHP5, hãy mở Terminal và gõ lệnh sau:
sudo apt-get install php5 libapache2-mod-php5
Lệnh trên sẽ cài 2 thành phần: 1 là PHP5 và 1 là module PHP5 dành cho Apache. Sở dĩ phải cài thêm module này là để Apache có thể nhận diện được PHP.
Sau khi cài đặt xong, bạn hãy khởi động lại Apache bằng câu lệnh trong phần trên. Mặc định thì PHP5 đã hoạt động cùng với Apache, tuy nhiên có 1 số trường hợp bạn cần phải bật module PHP lên thì mới được. Để bật module PHP, hãy gõ lệnh sau vào Terminal:
sudo a2enmod php5
Sau đó khởi động lại Apache.
Để kiểm tra xem PHP đã hoạt động chưa, hãy thử tạo 1 file PHP trong thư mục /var/www (đây chính là thư mục DocumentRoot của Apache), VD file tên phpinfo.php, chứa nội dung như sau:
<?php
phpinfo();
?>
phpinfo();
?>
Hãy mở trình duyệt và nhập vào địa chỉ http://localhost/phpinfo.php, và nếu bạn thấy thông tin hệ thống tức là PHP đã hoạt động.
3. Cài đặt MySQL
Để cài đặt MySQL, hãy chạy lệnh sau ở Terminal:
sudo apt-get install mysql-server php5-mysql
Lệnh sau sẽ cài đặt 2 thành phần: MySQL server và phần giao tiếp giữa PHP5 và MySQL. Trong quá trình cài đặt bạn sẽ được hỏi mật khẩu của tài khoản root, hãy nhớ lấy nó để truy xuất cơ sở dữ liệu khi cần thiết.
Hãy khởi động lại Apache để hoàn tất việc cài đặt.
4. Cài đặt "tất cả trong một"
Các bước trên sẽ khiến bạn cài đặt từng thành phần của LAMP Server. Sau khi hiểu các thành phần đó, bạn có thể muốn cài đặt nhanh để khỏi tốn thời gian. Chúng ta sẽ xem xét 1 vài phương pháp dưới đây:
4.1. Cài đặt nhanh bằng dòng lệnh
sudo apt-get install apache2 php5 mysql-server libapache2-mod-php5 php5-mysql
Lệnh này chỉ đơn giản là tổng hợp các lệnh cài đặt đã xét ở phần trên. Thay vì phải gõ nhiều lần, chúng ta chạy 1 lần để cài đặt hết tất cả.
4.2. Cài đặt bằng dòng lệnh, phương pháp khác
sudo tasksel install lamp-server
Lệnh trên sẽ cài đặt 1 LAMP server. Phương pháp này chỉ dùng được trên Ubuntu 7.04 trở đi.
4.3 Cài đặt thông qua Synaptic Package Manager
Synaptic Package Manager cũng cho phép bạn cài đặt nhanh 1 LAMP Server, để làm được điều đó, hãy mở menu Edit của Synaptic Package Manager, và chọn Mark Packages by Task. Trong cửa sổ nhỏ hiện ra, hãy đánh dấu vào LAMP Server và nhấn OK là được.
Sau khi cài đặt xong, bạn nhớ cấu hình ServerName như các bước ở trên.
Tài liệu tham khảo
1. Ubuntu Help: Apache, PHP, MySQL2. Ubuntu Guide: Hardy
3. Devolio: Install LAMP in Ubuntu
(Theo Internet)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét